PhuthoPortal - Ngày 8/1, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu Đại học Kyoto Nhật Bản.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì hội thảo tại đầu cầu Hà Nội (Ảnh: chinhphu.vn)
Đồng chí Mai Tiến Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và ông Yamada Takio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam chủ trì hội nghị.
Đồng chí Trịnh Hùng Sơn - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số là một trong các hoạt động hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong thực hiện triển khai Chính phủ điện tử. Từ những chính sách và kinh nghiệm của Nhật Bản, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục trao đổi, nghiên cứu và ứng dụng phù hợp tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương mình.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã thực hiện cắt giảm trên 3.800 điều kiện kinh doanh, trên 6.700 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn bộ phận Một cửa, Một cửa liên thông và đã có 59/93 địa phương thực hiện xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; tỷ lệ giải quyết TTHC đạt trên 97% đảm bảo đúng hẹn.
Việc xây dựng Chính phủ điện tử được thực hiện có hiệu quả với việc đưa vào vận hành Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; thực hiện họp Chính phủ không giấy tờ từ tháng 6/2019. Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia đã kết nối 51 bộ, cơ quan. Hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối với 100% bộ, ngành, địa phương với trên 3,8 triệu văn bản điện tử gửi, nhận đã góp phần giảm tác phong, lề lối làm việc, tăng hiệu quả công việc và tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm.
Hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia đã thực hiện kết nối, tích hợp 2.762 dịch vụ với trên 100 triệu lượt truy cập và đã thực hiện cấp 423.000 tài khoản đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong thực hiện giải quyết TTHC, tăng khả năng giám sát, đánh giá của người dân, doanh nghiệp và đã tiết kiệm trên 8.000 tỷ đồng mỗi năm.
Tại bảng xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ; xếp hạng 5/10 quốc gia ASEAN về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016 - 2020 và là quốc gia đứng thứ 8/80 quốc gia có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.

Đồng chí Trịnh Hùng Sơn - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Phát biểu tại buổi hội thảo, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cảm ơn Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm, chính sách mới trong việc xây dựng Chính phủ điện tử.
Để xây dựng, phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số đạt hiệu quả, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử; phối hợp với các Tập đoàn viễn thông triển khai xây dựng các hệ thống điều hành đảm bảo thống nhất. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc cấp chữ ký số.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xử lý, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tăng cường kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc tại các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện… phấn đấu tăng 20% tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia so với năm 2020; 100% tỷ lệ cung cấp thanh toán trực tuyến đối với các khoản thuế nội địa trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% tỷ lệ hồ sơ của hệ thống một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia;… trong năm 2021.
Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đến từ Ban Kế hoạch Hệ thống thông tin Chính phủ, Cục Quản lý hành chính, Bộ Truyền thông và Nội vụ Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm hướng tới sự hình thành xã hội số ở Nhật Bản, 10 nguyên tắc cơ bản trong định hướng hướng tới xã hội số; lãnh đạo khuyến nghị chính sách cho tương lai của Nhật Bản mang tính bền vững dựa vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI;…

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Đối với tỉnh Phú Thọ, việc xây dựng chính quyền điện tử đã đạt được những kết quả nhất định. Hạ tầng CNTT trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ: Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến đã kết nối từ tỉnh đến 100% các huyện, thành, thị và xã, phường, thị trấn; trục tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP của tỉnh kết nối với trục tích hợp chia sẻ dữ liệu NGSP Trung ương đi vào hoạt động từ tháng 8/2020. Đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh. Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) của tỉnh đang được triển khai xây dựng.
100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và trên 92% xã, phường, trị trấn đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế văn bản giấy.
Toàn tỉnh hiện có 1.522 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 602 dịch vụ mức độ 4. 351 TTHC đã thực hiện kết nối liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Vũ Tuân