(Chinhphu.vn) - Xác định thông tin - truyền thông giữ vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh - quốc phòng, tỉnh Phủ Thọ tiếp tục nâng cao hoạt động chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
15/01/2021 14:11
 |
Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Phú Thọ hoạt động từ ngày 30/8/2020. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ |
Theo đó, tỉnh cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 thành kế hoạch, chương trình hành động để đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử đảm bảo hoạt động hiệu quả, liên thông 3 cấp; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Đồng thời từng bước áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thông tin trên báo chí, trên mạng internet; tăng cường đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, định hướng dư luận xã hội, đặc biệt trong những ngày diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Trong lĩnh vực này, Sở TT&TT được giao triển khai toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành, trọng tâm là hoàn thiện xây dựng chính quyền điện tử liên thông 3 cấp; đẩy nhanh tiến độ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Phú Thọ. Đẩy mạnh việc cung cấp và thực hiện dịch vụ công mức 3, 4, ứng dụng phân tích dữ liệu lớn trong một số hoạt động lãnh đạo điều hành quản lý trong cơ quan Nhà nước. Ứng dụng và phát triển CNTT bảo đảm an toàn, an ninh; xây dựng và phát triển hạ tầng CNTT - truyền thông tạo nền tảng cơ bản để cung cấp các ứng dụng dùng chung, dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước…
Tại Phú Thọ, đến nay, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, phần mềm quản lý văn bản điều hành đã kết nối từ tỉnh, huyện đến 225 xã, phường, thị trấn. Trục tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP của tỉnh kết nối với trục tích hợp chia sẻ dữ liệu NGSP Trung ương đi vào hoạt động từ tháng 8/2020; Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Phú Thọ hoạt động từ ngày 30/8/2020.
Cùng với đó, 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và 207/225 xã, phường, thị trấn đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế văn bản giấy. Tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt trên 30% (vượt 10% chỉ tiêu Chính phủ giao).
Lĩnh vực bưu chính, viễn thông đã nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động bằng việc mở rộng các loại hình dịch vụ, phục vụ triển khai chính quyền điện tử và thương mại điện tử, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh.