PhuthoPortal - “Thành công lớn nhất trong triển khai xây dựng Chính quyền điện tử thời gian qua là đã dần thay đổi lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức từ phương thức làm việc thủ công sang làm việc trên môi trường ứng dụng CNTT; từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ, góp phần quan trọng xây dựng nền hành chính đồng hành, chuyên nghiệp và hiện đại” - ông Trịnh Hùng Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định.
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn, hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng, khai thác các hệ thống điều hành điện tử tại huyện Thanh Ba
Tại huyện miền núi Tân Sơn, nơi có gần 83% là đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian gần đây lãnh đạo và cán bộ cấp xã đã quen với việc sử dụng văn bản điện tử. Từ bước soạn văn bản điện tử đến việc ký số lên văn bản điện tử và phát hành văn bản điện tử trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành đều được thực hiện thành thạo.
Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nên hằng năm huyện xác định các lĩnh vực ưu tiên, từng hạng mục đầu tư để cân đối ngân sách, huy động, bố trí nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Với phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, chỉ sau 3 năm, 17/17 xã đều đã thành lập Bộ phận Một cửa được trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị CNTT. Tháng 6/2020 UBND huyện chính thức khai trương Bộ phận Một cửa điện tử hiện đại tạo bước đột phá trong xây dựng Chính quyền điện tử. Huyện cũng tăng cường thực hiện tiếp nhận và trả kết quả TTHC trên Hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, kết nối liên thông 4 cấp, tạo thuận lợi trong việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Đến giải quyết TTHC tại UBND xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, bà Hà Thị Tươi ở khu 9, xã Tân Phú chia sẻ: Trước đây, để giải quyết TTHC tôi phải chờ đợi khá lâu. Tuy nhiên hiện nay, nhờ ứng dụng CNTT nên hồ sơ của tôi được giải quyết khá nhanh chóng, thậm chí tôi có thể gửi hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mà không phải đến tận cơ quan hành chính nhà nước, rất thuận tiện.
Ông Tạ Ngọc Yến - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng Chính quyền điện tử là xu thế tất yếu, vì vậy huyện sớm ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn, trong đó đề cao tinh thần gương mẫu, đi đầu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các đơn vị thuộc UBND huyện và từng cán bộ, công chức (CBCC). Từ việc tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành để gửi, nhận văn bản điện tử, đến việc lưu trữ văn bản đi, đến; quản lý, điều hành công việc trên môi trường mạng tại các cơ quan, đơn vị… đều được thực hiện một cách nghiêm túc nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong triển khai xây dựng Chính quyền điện tử.
Chỉ sau 3 năm kể từ khi tỉnh phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh, hệ thống nền tảng chính quyền điện tử của tỉnh gồm hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, Cổng dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử đã được xây dựng và hoàn thiện đồng bộ, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cán bộ Bộ phận Một cửa điện tử huyện Thanh Ba hướng dẫn người dân tra cứu danh mục TTHC có thể giải quyết qua DVCTT
Trung tâm Phục vụ vụ hành chính công và Trung tâm điều hành thông minh (IOC) chính thức đưa vào hoạt động giúp công tác chỉ đạo, điều hành được kịp thời, hiệu lực, hiệu quả hơn; đưa ra các hoạch định chính sách, cơ cấu phát triển ngành, địa phương một cách sát với thực tế.
Đặc biệt, từ tháng 9/2019 UBND tỉnh phê duyệt Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Chưa bao giờ Chính quyền điện tử lại được chỉ đạo thúc đẩy thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt như hiện nay. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản để thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hiệu quả, cải cách TTHC thực chất hơn, tạo dư địa phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nếu như năm 2015, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 30% thì đến tháng 12/2020 con số đó đã tăng lên trên 100%. 100% cơ quan, đơn vị kết nối trục liên thông văn bản quốc gia, bảo đảm kết nối liên thông văn bản 4 cấp từ trung ương đến cơ sở; 100% đơn vị cấp sở, huyện và 221 đơn vị cấp xã sử dụng chữ ký số trong giao dịch văn bản điện tử giúp công tác chỉ đạo điều hành kịp thời, hiệu quả.
13/13 huyện, thành, thị đã xây dựng, triển khai mô hình một cửa hiện đại; 225 xã, phường, thị trấn đã thành lập Bộ phận Một cửa và sử dụng hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tỉ lệ cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện được trang bị máy tính đáp ứng nhu cầu làm việc đạt trên 98,46%; cấp xã đạt 68%.
Từ việc ứng dụng hiệu quả các nền tảng Chính quyền điện tử đã giúp cắt giảm trung bình từ 50 - 70% thời gian giải quyết TTHC so với quy định; tỷ lệ hồ sơ giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn hằng năm ở cấp tỉnh đạt 99,98%; cấp huyện đạt 96,1%.
Người dân sử dụng DVCTT tại Trung tâm Phục vụ hành chính công
Tuy nhiên, để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong xây dựng Chính quyền điện tử cần cả quá trình lâu dài, liên tục, đòi hỏi phải có lộ trình và bước đi phù hợp cho từng giai đoạn. Trong lộ trình tiếp theo, tỉnh cần đẩy nhanh việc hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu Quốc gia và các Bộ, ngành Trung ương để đảm bảo các điều kiện kỹ thuật vận hành Chính quyền điện tử; đảm bảo 100% các xã, phường thị trấn được cung cấp chữ ký số thực hiện các giao dịch điện tử.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC để kịp thời tích hợp, chuẩn hóa TTHC trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, đáp ứng hiệu quả của DVCTT mức 3, 4, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khai thác và sử dụng hiệu quả Cổng Dịch vụ công trực tuyến, hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh.
Điều quan trọng nhất là cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là thay đổi thói quen của người dân trong thực hiện TTHC trực tiếp, song phải làm từng bước, trong đó chú trọng thành lập các tổ tuyên truyền tới tận các xã, thị trấn, tích cực hướng dẫn người dân thực hiện theo hướng "cầm tay chỉ việc"; đồng thời tiếp tục cải tiến, nâng cấp Cổng DVCTT, các ứng dụng CNTT phục vụ người dân theo hướng dễ thao tác, thực hiện, gần gũi với người dân.
Xây dựng Chính quyền điện tử với mục tiêu cốt lõi là để phục vụ tốt nhất nhu cầu của mọi người dân, song thực tế hiện nay vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" làm cho việc thực hiện chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhiệm vụ này rất cần sự đồng tâm, hiệp lực, quyết tâm cụ thể hóa của các cấp, ngành và địa phương.
Lệ Thủy