Quang cảnh một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77. (Nguồn: UN)
Ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 tại New York (Mỹ).
14 thành viên mới trúng cử Hội đồng Nhân quyền sẽ đảm nhiệm trọng trách trong nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu vào tháng 1/2023. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, lần đầu nhiệm kỳ 2014-2016 và lần thứ hai nhiệm kỳ 2023-2025 (Theo quy định của Hội đồng Nhân quyền, mỗi thành viên chỉ được bầu và đảm trách một nhiệm kỳ, hai nhiệm kỳ kế tiếp sẽ không được tham gia ứng viên).
Lá phiếu của mỗi quốc gia bầu chọn Việt Nam trúng cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là một trong những minh chứng rõ ràng nhất và là sự khẳng định:
Một là, các quốc gia trên thế giới công nhận, tin tưởng vào các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã bảo đảm thực hiện quyền con người cho người dân Việt Nam trên các lĩnh vực của đời sống xã hội một cách trách nhiệm, tích cực, thành tâm vô điều kiện, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đối với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Hai là, mỗi lá phiếu của các quốc gia đã nói lên Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện đúng, có hiệu quả các Công ước quốc tế có liên quan quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc phê chuẩn, các cố gắng này đã và đang được nội luật hóa thành pháp luật trong nước, trở thành công cụ quản lý nhà nước.
Ba là, các quốc gia trên thế giới nói chung, các nước trong khu vực ASEAN nói riêng đã bày tỏ sự tin tưởng vào Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sau khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ tiếp tục “là một thành viên quan trọng của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ hợp tác với chúng tôi trong việc thúc đẩy quyền con người” như lời của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương ông Daniel Kritenbrink chúc mừng Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 tại buổi họp báo chiều 12/10.
Bốn là, mỗi lá phiếu của các quốc gia đã xác nhận Việt Nam đã hoàn thành tốt “Báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền và đang tiến hành những khuyến nghị cho UPR chu kỳ 3”. Khẳng định Việt Nam đặc biệt quan tâm tới các công ước quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, tích cực thúc đẩy các Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ… và như bài viết của tờ Washington Times ngày 21/9/2022 khẳng định, việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền sẽ góp phần làm sâu sắc thêm sự tham gia của Việt Nam vào hệ thống quốc tế.
Năm là, mỗi lá phiếu của các quốc gia bầu chọn Việt Nam vào thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã trực tiếp bác bỏ các quan điểm sai trái của các lực lượng thù địch phủ nhận, xuyên tạc, vu khống tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian qua.
Ngày 24/9/1982, Việt Nam đã tham gia Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR). Kể từ khi tham gia, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt bậc để bảo đảm các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong ICCPR được tôn trọng và thực thi, bảo đảm trong điều kiện nhiều khó khăn về mọi mặt. Năm 2013, Việt Nam nằm trong nhóm 18 quốc gia được trao Bằng khen của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) chứng nhận việc sớm đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 1 (MDG1) vì đã về đích sớm trước 13 năm so với yêu cầu. Đúng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngày 6/12/2021, nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất là phát huy tối đa yếu tố con người; đồng thời, giữ vững ổn định chính trị; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Với những kết quả của bạn bè quốc tế công nhận, bầu chọn Việt Nam lần thứ hai vào thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, chúng ta càng cần nhận thức đúng các nội dung sau:
Thứ nhất, về mặt nhận thức, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người, quyền công dân.
Trước năm 1945, người dân Việt Nam không được hưởng các quyền công dân, tư cách pháp lý của người dân Việt Nam chỉ là thần dân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam ra đời, địa vị của người dân Việt Nam mới được thay đổi từ người nô lệ trở thành chủ nhân của một quốc gia độc lập, các quyền công dân của người Việt Nam lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, mục tiêu đấu tranh giành quyền con người cho người dân Việt Nam đã được Đảng ta xác định trong Cương lĩnh đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo (“Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt) được Hội nghị thành lập Đảng, ngày 3/2/1930 xác định, thực hiện cuộc cách mạng đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến đem lại quyền con người cho mọi người và “Dân chúng được tự do tổ chức; nam nữ bình quyền; phổ thông giáo dục…”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giá trị quyền con người của người dân Việt Nam được long trọng khẳng định trong Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ ngày 2 tháng 9, được thể chế hóa bằng bản Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên ở Đông Nam Á.
Ngày 12/7/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 12/CT/TW về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”, trong đó, xác định “Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”. Nhận thức, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người, quyền công dân tiếp tục được thể hiện rõ trong các nghị quyết, chỉ thị sau này. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục xác định “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013”[1].
Thứ hai, về những thành tựu đạt được trên các mặt.
Bên cạnh những thành tựu như chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của các quốc gia trên thế giới, trong đó, có Việt Nam, GDP 6 tháng của nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng dương, tăng 1,81%. Sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam cũng được nâng lên rõ rệt: Năm 2013 - 2014 nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 70/148 quốc gia trong bảng xếp hạng. Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, đứng thứ 67/141 nền kinh tế. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 tăng 8 bậc so với năm 2015, xếp thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới; từ mức 0,654 năm 2010 (thứ hạng 114/189 quốc gia và vùng lãnh thổ) lên mức 0,694 năm 2017 (thứ hạng 116/189 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao. Tỷ lệ hộ đói, nghèo đã giảm liên tục từ 30% năm 1992 xuống còn 8,3% năm 2004. Đến năm 2000, cơ bản xóa xong tình trạng đói kinh niên. Giai đoạn 2010-2020, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) và giảm từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Việt Nam cũng là một trong những nước đã chủ động sản xuất nhiều vaccine phòng bệnh (bệnh tả, bệnh đậu mùa, thương hàn…); bào chế và sản xuất được các thuốc thông thường bằng nguyên liệu tại chỗ; kiểm soát và ngăn ngừa được nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ và điểm sáng trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Hiện nay, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, ho gà, bạch hầu. Cả nước có 1.400 bệnh viện với 180.000 giường bệnh, 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó, có hơn 60% số trạm y tế đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010-2020.
Cùng với các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam được bảo đảm ngày càng tốt hơn với hàng trăm ấn phẩm báo chí, đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, báo và tạp chí điện tử, trang, cổng thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Ngoài ra, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài, như: Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN và nhiều báo, tạp chí quốc tế lớn khác.
Thứ ba, về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân.
Trong lời nói đầu của Bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 viết “Điều cốt yếu là các quyền con người phải được bảo vệ bằng pháp luật”. Thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp năm 2013 đã đưa vị trí, nội dung quyền con người, quyền công dân lên thành chương thứ hai với 36 điều, đây là chương có số điều quy định nhiều nhất (36/120 điều), có nhiều đổi mới nhất cả về nội dung quy định, cả về cách thức thể hiện. Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên xác định Nhà nước có trách nhiệm “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Khi quy định quyền con người, quyền công dân, các điều của Hiến pháp năm 2013 đều trực tiếp xác định “mọi người có quyền...”, “công dân có quyền”… để khẳng định tính pháp lý của các quyền được Hiến pháp ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ mà không phải Nhà nước “ban phát”, “ban ơn” các quyền này cho con người, cho công dân.
Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của “luật”, mà không phải hạn chế theo quy định của “pháp luật” và việc hạn chế chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Với quy định này, sẽ không thể có chủ thể nào, kể cả các cơ quan nhà nước được tùy tiện hạn chế các quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Cũng từ nguyên tắc này, các quy định liên quan đến các quyền bất khả xâm phạm của con người, của công dân (như quyền được sống, quyền không bị tra tấn, quyền bình đẳng trước pháp luật...) là các quy định có hiệu lực trực tiếp. Các quyền, tự do cơ bản khác của con người, của công dân và quyền được bảo vệ về mặt tư pháp được cụ thể hóa nhưng phải bằng luật do Quốc hội ban hành, không phải quy định chung chung “theo quy định pháp luật” như một số quy định trước đây.
Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và tích cực nội luật hóa các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, phê chuẩn (Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người) hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay đã thể hiện bước tiến mới trong việc mở rộng và phát triển các quyền, phản ánh kết quả của quá trình đổi mới ở Việt Nam. Đây cũng chính là sự khẳng định cam kết của Việt Nam trước nhân dân, trước cộng đồng quốc tế và quan trọng hơn là cam kết của chế độ, phản ánh bản chất của chế độ trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.
Thứ tư, về sự công nhận, tôn vinh của cộng đồng quốc tế về thành quả đạt được trong việc thúc đẩy, bảo về quyền con người ở Việt Nam.
Khi quyền con người, quyền công dân được Đảng, Nhà nước nhận thức đúng đắn, hành động tích cực, thiết thực, nó cũng đồng nghĩa nhận được kết quả ủng hộ Việt Nam, công nhận Việt Nam của cộng đồng quốc tế khi liên tục Việt Nam được bầu vào các thiết chế bảo vệ quyền con người của Liên hợp quốc. Sau 7 năm (từ năm 2007) Việt Nam chỉ có vị trí pháp lý là quan sát viên tại Hội đồng nhân quyền, nhưng nhờ tích cực tham gia vào các hoạt động, đóng góp nhiều ý kiến, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về các vấn đề lớn như tăng cường hiệu quả của hội đồng, đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người, trong đó có quyền phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh như bảo hiểm y tế, bình đẳng xã hội, chính sách giáo dục, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh con người…
Việt Nam đã ứng cử và được bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu bầu cao nhất trong 14 quốc gia được bầu chọn vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, khi mức thu nhập đầu người của Việt Nam năm 2014 mới hơn 2.000 USD thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia cùng thời điểm có GDP bình quân đầu người đã trên 10.000, 20.000 USD. Điều này đã minh chứng mọi thành tựu của đất nước đều hướng tới người dân. Tuy phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng việc thực hiện các Mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc luôn được thực hiện tích cực, mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Ngày 30/6/2019, Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA. Đây là đối tác chỉ ký kết hiệp định thương mại với các quốc gia về cơ bản bảo đảm được các điều kiện về nhân quyền. Đó là minh chứng Việt Nam thực sự coi trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người - một trong ba trụ cột hoạt động chính của Liên hợp quốc, bên cạnh các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế và hợp tác phát triển. Trong Thông điệp của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 đã khẳng định: “Đây là sự ghi nhận quan trọng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực; thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một vinh dự lớn lao, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, song cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hết mình để hoàn thành trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó. Việt Nam đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, góp phần tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển”.
Thứ năm, về các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc.
Thiết nghĩ với những thành công không thể phủ nhận trong thực hiện quyền con người, quyền công dân ở nước ta như đã minh chứng ở trên, tiếc rằng do nhiều lý do khác nhau, thậm chí có cả lý do viết bài xuyên tạc quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam chỉ để được nhận nguồn tiền tài trợ, một số người đã thẳng thừng phủ nhận những kết quả đạt được trong việc thực hiện quyền con người, quyền công dân ở nước ta; trắng trợn vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người, quyền công dân; bịa đặt pháp luật Việt Nam “thích bắt ai thì bắt”… Ngang ngược hơn nữa, họ còn đòi hỏi Việt Nam phải từ bỏ lựa chọn chế độ chính trị, chính họ đã vi phạm nghiêm trọng vào khoản 1, Điều 1 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) năm 1966 khi long trọng xác định “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”.
Thành quả đạt được về mục tiêu phấn đấu, về bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Việt Nam trong thời gian qua được cộng đồng quốc tế, đông đảo các tầng lớp nhân dân công nhận, ủng hộ là những giá trị, kết quả không thể phủ nhận, nhưng đó cũng là đòn bẩy, là động lực, là mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội ta trong bước đường đi chung cùng nhân loại, tất cả đều bắt nguồn từ phẩm giá của con người. Nếu ai đó còn cố tình xuyên tạc, vu khống, kích động, lợi dụng vấn đề nhân quyền ở nước ta cho mục đích cá nhân, gây tổn hại cho lợi ích cộng đồng cần sớm chấm dứt, từ bỏ mục đích xấu. Mượn lời, chia sẻ cụ thể hơn về những thành tựu của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói: “Sự phát triển của Việt Nam thể hiện qua những con đường, những sân bay, những tuyến đường đến những vùng rất là xa xôi như miền Bắc hay Tây Nguyên… những thay đổi này đã góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch, thu hút đầu tư, điều này rất có lợi cho cuộc sống của người dân và sinh kế của người dân”.
Đại tá, Tiến sĩ NGUYỄN HỮU PHÚC, Chủ nhiệm Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị
Đại tá, Tiến sĩ NGUYỄN HỮU PHÚC