(Chinhphu.vn) - Ngoài việc gia nhập 4 Công ước quốc tế Genève về bảo hộ nạn nhân chiến tranh, đối xử nhân đạo với tù nhân chiến tranh (năm 1957), từ năm 1977, sau khi trở thành thành viên LHQ, Việt Nam đã từng bước tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người.
05/11/2013 15:41
|
Ảnh minh họa. |
Ngày 9/6/1981, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc.
Ngày 27/11/1981, Việt Nam ký Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; tháng 2/1982 chính thức phê chuẩn Công ước này.
Ngày 24/9/1982, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội và Công ước quốc tề về các quyền dân sự chính trị.
Tháng 1/1990, Việt Nam ký Công ước về quyền trẻ em và phê chuẩn ngày 20/2/1990. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ 2 trên thế giới trở thành thành viên của Công ước này.
Việt Nam cũng đã phê chuẩn 2 Nghị định thư bổ sung của Công ước quyền trẻ em là Nghị định thư không bắt buộc về trẻ em trong xung đột vũ trang và Nghị định thư không bắt buộc về chống sử dụng trẻ em trong mại dâm, tranh ảnh khiêu dâm.
Theo kế hoạch, trong năm 2013 và 2014, Việt Nam sẽ phê chuẩn Công ước về chống tra tấn và Công ước về quyền của người khuyết tật.
Ngoài các điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người trên, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế khác có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế như Nghị định thư bổ sung Công ước Genève về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế (tham gia ngày 28/8/1981), Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng và Công ước về ngăn chặn và trừng trị tội ác Apartheid (tham gia ngày 9/6/1981).
Sau khi trở thành thành viên Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 1994, Việt Nam đã gia nhập nhiều công ước của tổ chức này như Công ước số 5 về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia lao động công nghiệp, Công ước số 6 về làm việc ban đêm của trẻ em trong công nghiệp, Công ước số 14 về quy định nghỉ hằng tuần cho lao động công nghiệp…
Việt Nam cũng tích cực tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ, hợp tác nhân quyền trong khuôn khổ Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp. Bên cạnh đó, với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các khuôn khổ hợp tác khu vực về nhân quyền, trong đó có Ủy ban Liên Chính phủ về nhân quyền ASEAN.
Việt Nam cũng thường xuyên tham gia đối thoại nhân quyền với các nước như: Mỹ, Australia, Thụy Sỹ và EU. Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ động xây dựng báo cáo kiểm điểm định kỳ UPR về việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam.
Hồng Nguyên