Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 20/12/2022 đến ngày 18/01/2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có trên 338 nghìn tài khoản đăng ký; trên 7,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 736 nghìn lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích và hơn 1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 644 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 279 tỷ đồng.
Về công tác chỉ đạo, điều hành
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, chú trọng vấn đề đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; khẩn trương ban hành và quyết liệt triển khai Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023, hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối các nền tảng số, các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành để tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ người dân, doanh nghiệp; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tài chính số, kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt đối với chi trả trợ cấp xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội, ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư trong việc định danh khách hàng, xác thực tài khoản ngân hàng.
Tăng cường chuyển đổi số các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, CSDL; khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân; phát triển nguồn nhân lực cho triển khai Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch để thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa CSDL quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh; sớm hoàn thành xây dựng các CSDL quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.
Về xây dựng, hoàn thiện thể chế
Sau khi Chính phủ thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 07/3/2022, Bộ Công an tiếp tục xây dựng hồ sơ lấy ý kiến Ban Cán sự đảng Chính phủ đối với dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị định.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử. Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 462/KH-BCA-V03 ngày 20/9/2022 triển khai thi hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử.
Về xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử
Tính đến ngày 30/01/2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (National Data Exchange Platform - NDXP) trong tháng 01/2023 là 44.960.821; trung bình hằng ngày có khoảng 1,49 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP; tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là hơn 1 tỷ giao dịch.
Về việc xây dựng các CSDL tạo nền tảng Chính phủ điện tử
CSDL quốc gia về Dân cư: Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 02 Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Đề án 06 và Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06; đưa việc thực hiện Đề án vào nội dung các phiên họp Chính phủ thường kỳ để đôn đốc, chỉ đạo thực hiện; đã ban hành 09 Nghị quyết về phiên họp thường kỳ và 16 Thông báo chỉ đạo Đề án 06.
CSDL về Bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã hoàn thành dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Cấu trúc thông điệp dữ liệu CSDL quốc gia về bảo hiểm, hiện đang tiếp thu, hoàn thiện và giải trình dự thảo; BHXH Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo Quy chế Quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu trong các Hệ thống phần mềm nghiệp vụ và từ CSDL tập trung ngành BHXH Việt Nam; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng Dự thảo Quy chế phối hợp kết nối, xác thực và đồng bộ dữ liệu giữa CSDL Ngân hàng Chính sách xã hội và CSDL quốc gia về Bảo hiểm.
Nhằm bảo đảm tiến độ triển khai Đề án 06, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về Dân cư qua số chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ (lấy) số căn cước công dân từ CSDL quốc gia về Dân cư sang CSDL của BHXH. Tính đến ngày 29/01/2023, đã hoàn thành xác thực đúng thông tin công dân của hơn 73 triệu nhân khẩu.
Về việc triển khai thí điểm khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân gắn chíp, tính đến ngày 29/01/2023, toàn quốc đã có 12.094 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp; BHXH Việt Nam tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nội vụ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối và chia sẻ dữ liệu chứng thực từ bản sao điện tử và các dữ liệu dịch vụ công liên quan đến CSDL quốc gia về bảo hiểm theo quy định hiện hành, đồng thời triển khai thí điểm chứng thực thông tin trên sổ BHXH phù hợp với CSDL quốc gia về bảo hiểm; tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan hoàn thiện quy trình để tích hợp cung cấp các dịch vụ công.
CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Tính đến ngày 30/01/2023, trên Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch đã có 32.663.258 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 8.281.011 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định, 4.460.595 hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của BHXH; 7.443.975 dữ liệu đăng ký kết hôn; 4.902.760 dữ liệu đăng ký khai tử và 8.787.570 dữ liệu khác.
CSDL quốc gia về đất đai: Tiếp tục triển khai dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (dự án VILG), khối lượng xây dựng CSDL sau điều chỉnh là 250 huyện, thuộc 30 tỉnh, thành phố (trong đó, xây dựng mới CSDL là 160 huyện và chuyển đổi CSDL là 90 huyện), đã vận hành CSDL đất đai thường xuyên tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh của các tỉnh, thành phố. Đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai ở địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối dữ liệu từ CSDL đất đai quốc gia, CSDL đất đai cấp địa phương với Nền tảng NDXP, Trung tâm điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương (từ tháng 7/2021). Đến nay đã có 19 tỉnh/thành phố kết nối, liên thông dữ liệu đất đai Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia; tiếp tục phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật, hạ tầng cho các tỉnh/thành phố thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia.
CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: hiện chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 01 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; đã kết nối với CSDL quốc gia về bảo hiểm, Cổng Dịch vụ công quốc gia qua Trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP); đã thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp với các Hệ thống: thông tin đầu tư nước ngoài, thông tin đấu thầu qua mạng; thông tin của một số bộ, ngành và địa phương thông qua Trục tích hợp dữ liệu quốc gia (NGSP) như Hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp đổi giấy phép kinh doanh vận tải, biển hiệu phù hiệu xe ô tô của Bộ Giao thông vận tải, Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Bắc Giang. Trong thời gian tới, tiếp tục mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống một cửa điện tử tại một số địa phương.
CSDL quốc gia về tài chính: Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1416/QĐ-BTC ngày 12/7/2022 về việc phê duyệt Dự án “Xây dựng Cở sở dữ liệu tổng hợp về Tài chính giai đoạn 1”.
Về xây dựng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp
Các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc
Trục liên thông văn bản quốc gia: Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng 01/2023 là 660.247 văn bản (gửi: 127.960 văn bản, nhận: 532.287 văn bản). Từ khi khai trương (12/3/2019) đến nay, Hệ thống có tổng số hơn 17,8 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet): Trong tháng đã phục vụ 02 phiên họp Chính phủ và xử lý 40 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 17 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Tính đến nay, Hệ thống đã phục vụ 66 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.476 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 520 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).
Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Trong tháng 01/2023, đã xây dựng Infographic báo cáo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kho dữ liệu các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và Bộ chỉ số điều hành, Bộ chỉ số thống kê của Hệ thống; phối hợp với chuyên gia tổ chức Hội thảo về Khung bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp
Các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục thúc đẩy triển khai dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Từ ngày 20/12/2022 đến ngày 18/01/2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có trên 338 nghìn tài khoản đăng ký; trên 7,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 736 nghìn lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ Cổng; hơn 1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 644 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 279 tỷ đồng. Từ khi khai trương đến nay đã cung cấp 4.377 dịch vụ công trực tuyến; đã có hơn 4,3 triệu tài khoản đăng ký; trên 1,1 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 161 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 10 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 8,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 4,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3,83 nghìn tỷ đồng.
Về việc xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân
Trong tháng 01/2023, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 1.234 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 10,8% so với cùng kỳ tháng 01/2022./.
Mạnh Tuyền - Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ