Chiều 09/3/2023, tại Nhà Quốc hội, đã diễn ra Hội nghị thường niên về công tác phối hợp giữa Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Nội vụ. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì Hội nghị.
 |
Quang cảnh Hội nghị |
Tham dự Hội nghị, có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ, các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; lãnh đạo Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội.
.jpg) |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy báo cáo tại Hội nghị. |
Báo cáo khái quát kết quả công tác phối hợp giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Nội vụ năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết, hai cơ quan đã hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ phối hợp đã đề ra, không có nhiệm vụ nào quá hạn hoặc chưa hoàn thành; các bên chủ động, tích cực trong việc trao đổi thông tin, tham vấn ý kiến, chia sẻ khó khăn, vướng mắc để cùng tháo gỡ, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; công tác phối hợp được tăng cường thường xuyên, chặt chẽ ngay từ giai đoạn đầu của quá trình rà soát, nghiên cứu phương hướng, cách thức, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ được giao (cả từ cấp chuyên viên, cấp vụ và cấp lãnh đạo hai cơ quan); các bên luôn thể hiện tinh thần tôn trọng, cầu thị, lắng nghe, ghi nhận ý kiến của nhau...
 |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, trong năm 2022, Bộ Nội vụ và Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chủ động phối hợp, hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ được giao trên cả 03 mặt công tác (xây dựng pháp luật; giám sát và công tác liên quan đến thành lập, điều chỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính). Cụ thể:
Trong công tác xây dựng pháp luật, hai cơ quan đã phối hợp trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua các luật, nghị quyết: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Nghị quyết số 76/2022/QH15 thông qua nội dung về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của UBTVQH về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (ĐVHC).
Trong công tác giám sát, hai cơ quan đã phối hợp tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thành các nội dung: Giúp Đoàn giám sát của UBTVQH hoàn thiện Báo cáo giám sát việc thực hiện các nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; giải trình “Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp” vào ngày 08/8/2022.
Trong công tác liên quan đến thành lập, điều chỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính, hai cơ quan đã phối hợp trình UBTVQH thông qua 14 nghị quyết (14 địa phương) về thành lập 02 thành phố, 04 thị xã, 48 phường, 14 thị trấn, nhập 01 xã vào 01 thị trấn, điều chỉnh địa giới ĐVHC của 02 xã.
Đồng thời, đã phối hợp triển khai đạt kết quả tốt trong việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được phân công tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của UBTVQH về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
 |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Bộ Nội vụ và cá nhân Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã có nhiều đổi mới, đột phá đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua; đồng thời, đề nghị Bộ Nội vụ và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tập trung thực hiện một số nội dung như: hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2030 trình UBTVQH xem xét, thông qua; tích cực phối hợp hoàn thiện dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đảm bảo đúng tiến độ đề ra; hoàn thiện các quy định về tiêu chí phân định và thực hiện phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở cho việc thực hiện sắp xếp ĐVHC trong thời gian tới và thực hiện các chính sách, yêu cầu quản lý nhà nước; nghiên cứu, rà soát, tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về đơn vị sự nghiệp công lập...
 |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ trong triển khai nhiệm vụ công tác, đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là trong năm 2022 Quốc hội đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong rằng, trong thời gian tới Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục quan tâm, chia sẻ để hai cơ quan tăng cường hơn nữa sự đồng thuận, thống nhất trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ công tác, bảo đảm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những nội dung theo phân công đạt chất lượng cao, đúng tiến độ yêu cầu.
 |
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà và đồng chí Hoàng Thanh Tùng ký kết Biên bản ghi nhớ nội dung phối hợp công tác giữa Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Nội vụ trong năm 2023. |
Trong khuôn khổ Hội nghị, hai cơ quan đã ký kết Biên bản ghi nhớ nội dung phối hợp công tác năm 2023. Theo đó, tập trung vào 08 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, triển khai thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030: Bộ Nội vụ là cơ quan đầu mối, giúp Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ được giao; Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp tham gia ý kiến, tổ chức họp thẩm tra các nội dung thuộc thẩm quyền, giám sát việc thực hiện và tổng hợp kết quả, báo cáo UBTVQH khi có yêu cầu.
Thứ hai, soạn thảo và thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023): Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì soạn thảo; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có trách nhiệm chủ trì thẩm tra. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai cơ quan tăng cường tham vấn ý kiến, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu, tổ chức và tham gia các hoạt động xin ý kiến về dự án Luật.
Thứ ba, nghiên cứu, rà soát Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các luật có liên quan; Luật Hoạt động chữ thập đỏ, các quy định của pháp luật hiện hành về đơn vị sự nghiệp công lập để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 - 2025: Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng nội dung báo cáo; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp tham gia ý kiến, giám sát việc thực hiện và đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nếu đáp ứng yêu cầu.
Thứ tư, sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh theo các nghị quyết của Quốc hội: Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì tham mưu, giúp Chính phủ theo dõi, hướng dẫn và sơ kết để báo cáo UBTVQH tại phiên họp tháng 10/2023 và trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2023; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có trách nhiệm chủ trì thẩm tra.
Thứ năm, thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kế hoạch, Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ: Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là cơ quan thường trực, giúp Đảng đoàn Quốc hội thực hiện một số nhiệm vụ; Bộ Nội vụ là cơ quan phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai cơ quan phối hợp, thông tin kịp thời các nội dung công việc có liên quan để bảo đảm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Thứ sáu, phối hợp trong việc triển khai công tác giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong lĩnh vực nội vụ và công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước và nội vụ thuộc kỳ giám sát năm 2023: Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có trách nhiệm chủ trì giám sát; Bộ Nội vụ phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu, giải trình cụ thể đối với các nội dung thuộc văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo yêu cầu, đề nghị của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Thứ bảy, xây dựng, thẩm tra các đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh, sắp xếp ĐVHC trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền: Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, giúp Chính phủ xây dựng hoặc thẩm định các đề án; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có trách nhiệm tổ chức thẩm tra các đề án của Chính phủ. Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Nội vụ phối hợp tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nghị quyết về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh, sắp xếp ĐVHC trước khi trình UBTVQH, Quốc hội ký ban hành. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai cơ quan phối hợp, thông tin kịp thời về số lượng, tiến độ chuẩn bị, thẩm định, thẩm tra các đề án để chủ động bố trí thời gian nghiên cứu, bố trí thời gian thích hợp trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Thứ tám, phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, thuộc thẩm quyền giải quyết: Bộ Nội vụ có trách nhiệm kịp thời xem xét, giải quyết và trả lời cho công dân đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để phục vụ công tác giám sát của Ủy ban đối với những đơn thư do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chuyển đến./.
 |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Mạnh Quân